TRƯỜNG ĐẠI HỌC “TỐI TĂM LẦY LỘI” - 1
Một buổi
sáng đầu thu năm 1978, trời Hà Nội thật đẹp những tia nắng sớm nhuộm vàng những
tán lá cây hai bên đường vào Hà Đông. Đào đạp xe khá chậm vừa là bảo đảm an
toàn vừa là để tận hưởng bầu không khí trong lành buổi sáng. Vào đến cổng trường,
Đào cứ đứng tần ngần nhìn ngôi trường
cũ, cách đây hơn chục năm Đào đã từ đây sơ tán lên Cẩm Khê Phú Thọ. Cây bàng
trước cổng trường vẫn còn đó nhưng nom có vẻ già cỗi hơn. Đào dắt xe qua cổng
thường trực, dựng xe rồi hỏi người gác cổng:
-
Anh làm ơn cho biết phòng anh Bình, hiệu trưởng ở đâu?
- Anh gặp ông Bình có việc gì?
- Tôi được Tổng cục điều về đây, hôm nay đến
trình hiệu trưởng.
Anh
thường trực nhiệt tình dẫn Đào đến một căn nhà lắp ghép 2 tầng, đưa lên tầng 2,
đến cửa phòng hiệu trưởng thì anh ta quay lui. Đào gõ cửa. Có tiếng vọng ra:
- Xin mời vào
- Tôi đến nhận công tác đây
- Xin chào anh Đào, chúng tôi mong anh quá.
Khoa Hữu tuyến đang chưa có chủ nhiệm khoa anh về đây thật đúng lúc. Anh ngồi uống
nước rồi tôi đưa anh xuống khoa gặp anh chị em. Hôm nay họ đang họp khoa đấy.
Thế là
chẳng cả kịp pha nước anh Bình dẫn Đào xuống văn phòng khoa. Từ bên ngoài đã thấy
anh chị em phát biểu rất hăng hình như về chương trình công tác sắp tới thì phải.
Hai người bước vào phòng. Mọi con mắt đổ dồn về phía họ. Anh Bình nói luôn:
- Tôi xin báo một tin vui với khoa ta: Anh
Phan Đào “người cũ” của Khoa nay được Tổng cục bổ nhiệm về làm chủ nhiệm khoa
ta, hôm nay đến nhận công tác. Chắc chẳng cần giới thiệu gì thêm vì mọi người
đã biết nhau rồi mà. Bây giờ tôi bận chuẩn bị tiếp mấy ông địa phương. Anh Đào ở
lại sinh hoạt với anh chị em luôn. Xin phép tôi đi.
Anh
Bình về lại phòng làm việc. Mọi người mới nhao nhao tay bắt mặt mùng hỏi thăm
nhau rối rít. Mất đến 15 phút cuộc họp mới tiếp tục. Anh Dương, phó khoa phụ
trách khoa nói:
- Báo cáo anh Đào, chúng tôi đang thảo luận về
kế hoạch công tác của năm học mới, phần kế hoạch giảng dậy đã xong, bây giờ đến
phần quản lý học sinh, đang có nhiều ý kiến khác nhau. Đại loại có thể chia làm
hai “phe”, một phe chủ trương phải quản lý thật chặt, một phe dựa vào sự tự
giác của học sinh là chính, khoa chỉ cần đôn đốc nhắc nhở vì sinh viên chú
không phải học sinh như trước kia nữa.
Anh chị
em tiếp tục phát biểu nghe ra chẳng bên nào hơn bên nào. Anh Dương láu cá nói:
- Bây giờ xin ý kiến của tân chủ nhiệm khoa
- Theo tôi chưa cần kết luận vội để Ban chủ
nhiệm nghiên cứu tiếp và thông báo lại cho anh chị em sau.
Cuộc họp
tạm ngừng anh chị em ra về. Ban chủ nhiệm ở lại hội ý tiếp. Sau khi hội ý Đào
xin lại bản kế hoạch về nhà nghiên cứu, còn hôm nay Đào tiếp tục xuống từng bộ
môn tìm hiểu thêm. Đến gần 5 giờ chiều Đào mới phóng xe về Hà Nội, trong lòng
bao nỗi lo toan vì khoa này còn quá nhiều vấn đề cần giải quyết.
Đêm
hôm đó Đào đọc kỹ lại Bản kế hoạch công tác của năm học mới. Xem xong Đào nhớ lại
những điều anh chị em phản ánh khi Đào đến từng bộ môn. Đào thấy rằng sở dĩ thời
gian qua khoa Hữu tuyến cứ ì ạch mãi không vươn lên được một phần (có lẽ là
chính yếu) do nội bộ ban chủ nhiệm không thống nhất quan điểm. Anh Dương thì
xuê xoa, anh Thái thì lại quá nghiêm như trong quân đội. Hai anh tính tình trái
ngược nhau chỉ bằng măt chứ không bằng lòng. Một nguyên nhân khác là chất lượng
giảng dạy đang là vấn đề nổi cộm, nhất là tình trạng học chay không thể chấp nhận
được. Tài liệu giảng dạy hầu như không có chỉ dựa vào giáo án của giáo viên. Học
sinh hoàn toàn bị động trong khâu nghe giảng. Rồi cơ sở vật chất thì thiếu thốn.
Lớp học hầu hết là nhà cấp 4 đã xuống cấp, còn nhà ở của sinh viên mới tồi tàn
làm sao, v.v.. Không biết bắt đầu từ đâu bây giò?
Sang
tuần Đào bắt đầu điều hành công việc. Một mặt Đào cũng tự phải chuẩn bị cho
mình một môn để lên lớp. Một mặt Đào bố trí đi dự giờ các thầy cô trong khoa để
nắm bắt tình hình. Việc làm đầu tiên là Đoàn quyết giải quyết khâu mất đoàn kết
trong Ban chủ nhiệm. Trước khi có cuộc họp chung Đào đã gặp từng anh trao đổi. Sau khi đã nắm bắt được những mắc mớ của từng
anh Đào mới họp chung cả Ban chủ nhiệm, có mời cả chủ tịch công đoàn khoa dự
(vì anh Thái là bí thư chi bộ nên không mời đại diện chi bộ nữa). Anh Thái phát
biểu trước:
- Tôi thấy anh Dương điều hành công việc không
có một kế hoạch nào cả cứ được đâu hay đấy. Cái gì cũng chung chung không quyết
đoán, còn tiền hậu bất nhất nên anh chị em không biết đằng nào mà lần, …
Anh Dương liền lên tiếng vặc lại:
- Tôi thấy cách chỉ đạo của anh lại quá máy
móc cứ như trong quân đội ấy. Học sinh họ chỉ sợ anh chứ không phục anh, …
Anh Chủ tịch công đoàn nói:
- Tôi thấy hai anh trong chỉ đạo thiếu sự phân
công rõ rang, cứ chồng chéo lẫn nhau mà mỗi anh lại giải quyết theo một kiểu,
anh chị em chúng tôi chẳng biết nghe ai, làm theo ai.
Anh
Dương và anh Thái còn nói khá nhiều, một phần như phân vua với chủ nhiệm khoa mới,
một phần cho hả dạ vì lâu nay cứ phải để mãi trong lòng.
Cuối
cùng Đào nói chậm dãi vừa như tâm sự chứ không phải áp đặt:
- Tôi thấy sự yếu kém của khoa ta trong thời
gian qua không phải chỉ do các anh chỉ đạo không thống nhất mà còn nhiều nguyên
nhân khác chúng ta sẽ lần lượt giải quyết. Mỗi anh một cá tính ta phải biết nhường
nhau thì mới tốt cho công việc. Theo tôi để tránh tình trạng trên, bây giờ ta
phân công rất cụ thể từng phần việc cho mỗi người. Mỗi anh phải tự chịu trách
nhiệm về phần việc của mình. Có sự phối hợp khi cần thiết. Sau đây tôi sẽ đọc bản
dự kiến phân công trong ban chủ nhiệm đề nghị các anh cho ý kiến luôn để ta còn
báo cáo với nhà trường và thông báo cho chị em trong khoa biết. Sau buổi họp đó
đã có những chuyển biến nhất định.
*
* *
Đào
lên gặp các đồng chí lãnh đạo Tổng cục xin cho khoa một tổng đài ngang dọc để
làm thí nghiệm và thực tập cho học sinh. Mãi hai tháng sau chiếc tổng đài mới
được đưa về trường, nhưng đó là một tổng đài cũ, đã hư hỏng không thể chạy ngay
được. Đào liền khoán cho ba học sinh mới tốt nghiệp được giữ lại khoa làm trợ
giáo sửa chữa.
Một buổi
tối Đào không về Hà Nội mà ở lại xem mấy cậu sửa chữa tổng đài đã có gì khả dĩ
chưa? Đào bước vào phòng tổng đài thấy 3 cậu vẫn đang hì hục hàn hàn nối nối.
Đào hỏi:
- Này các bạn trẻ liệu có thể khôi phục được
cái tổng đài này không?
- Báo cáo anh, nó hỏng nhiều quá lại chẳng có
linh kiện để thay, bọn em phải chạy ra chợ trời lùng mãi, rồi mua của mấy anh ở
nước ngoài mang về được một số, bọn em đang cố đây.
- Liệu bao giờ thì xong?
- Ít nhất cũng phải ba tháng nữa.
- Được nếu các cậu hoàn thành đúng thời hạn
tôi sẽ có thưởng
- Chủ nhiệm khoa có thể tiết lộ phần thưởng gì
để bọn em còn phấn đấu chứ!
- Bí mât!, Hồi sau sẽ rõ. À nếu không có thưởng
chắc các cậu không làm nữa à? Chẳng lẽ các cậu chỉ vì phần thưởng mà làm sao?
- Không bọn em nói vui thế thôi. Bọn em được
làm thế này học hỏi được khá nhiều điều mà các thầy cô trước đây chưa giảng. Rồi
tay nghề của bọn em cũng lên phải biết đấy anh Đào ạ!
Tối
hôm đó Đào còn ở lại với anh em đến mãi gần 10 giờ đêm mới cùng họ ra về. Sau đấy
Đào đã thực hiện dúng lời hứa của mình: Đề nghị nhà trường thưởng cho ba cậu ấy
hết hạn tập sự trước sáu tháng. Đây là một quyết định táo bạo chưa từng có bao
giờ. Ba cậu ấy đều rất phấn khởi, tham gia rất tích cực các hoạt động của khoa.
Rồi Đào còn cử hai trong số ba cậu ấy đi thi làm nghiên cứu sinh. Sau đấy khi về
nước có cậu trở lại khoa, có cậu công tác trên Tổng cục và quan trọng hơn là họ
đều đã thành những cán bộ khoa học tâm huyết của ngành. còn nữa
|